Lụa - chất liệu quý của người Việt tuy bản thể tinh trắng, thanh tân, nhưng nếu người dệt vụng về, thiếu kinh nghiệm, cũng dễ gây nên hiện trạng gãy đứt, ố màu. Thế nên từ ngày xưa, dân gian đã đặt ra câu ca dao trên để nói về những nghệ nhân ươm tơ, dệt sợi. Họ cần sự chỉn chu, khéo léo, khẽ khàng từng chút để cho ra đời những tấm vải nhìn thì đơn giản, nhưng lại chắt chiu cả tấm hồn đất, hồn người.

Từ ngàn xưa, lụa đã là một sản vật quý, thuộc hàng cống phẩm dâng tiến vua chúa. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, chất liệu tự nhiên này dần bị quên lãng, phần vì giá thành cao, phần vì quy trình làm ra một tấm lụa chẳng phải dễ dàng… khiến nó vô tình bị lạc lõng giữa thời đại mà mọi thứ phải cuồng quay cùng hai từ: nhanh, rẻ…

Ấy vậy, lụa luôn là chất liệu đi cùng tháng năm người Việt, từ những mảnh yếm tơ của các chị, em đến chiếc áo dài lụa trắng theo chân từng tốp nữ sinh mỗi ngày đến trường. Nếu tre là loài cây gắn với dân tộc thì tấm lụa chính là thứ chất liệu kết nối vùng đất, văn hóa, mỗi nơi có một đặc trưng riêng, cách làm riêng… lãnh Mỹ A chất chứa hồn người An Giang, Bảo Lộc lưu truyền làng nghề trồng dâu nuôi tằm…Và còn nhiều, nhiều nữa những xóm làng, thôn quê men theo rẻo đất hình chữ S ngày ngày phủ bóng từng thước vải mỏng manh nhưng dẻo dai, đúng với hình ảnh con người đất Việt.

Với mong muốn trân trọng, lưu giữ văn hóa truyền thống, Siêu mẫu Việt Nam 2018 đã lựa chọn “lụa” làm chủ đề của cuộc thi năm nay. Cùng với đó, các thí sinh đã hóa thân thành những thôn nữ, diện những thiết kế áo yếm, khăn the của giám đốc sáng tạo Nguyễn Thụy Giang Châu thuộc thương hiệu Sensorial để tận tay ươm tằm, hái dâu thực hiện bộ ảnh tái hiện lại câu chuyện làng nghề.

Để có được thước lụa trên tay chẳng phải là điều dễ dàng, cẩn trọng từng li từng tí, xem Siêu mẫu Việt Nam 2018, ngắm nghía bộ ảnh về lụa để rồi thương, rồi nhớ câu chuyện về cả một ngành nghề truyền thống, rồi từ đó khắc khoải tấm lòng, liệu ta có thể làm gì để lưu giữ một nét văn hóa Việt giữa dòng chảy ngày nay?